Biển Hồ là nơi gắn liền với nhiều huyền thoại qua nhiều thế hệ cư dân phố núi Pleiku. Biển Hồ vừa đẹp vừa thiêng gắn bó với cư dân nơi đây cùng với nhiều truyền thuyết…

Tại sao lại có tên gọi Biển Hồ?

Biển Hồ là tên được người Kinh đặt, còn tên thật của nó là T’ Nưng, đây là một miệng núi lửa khổng lồ nằm phía bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Quanh năm ăm ắp nước và xanh ngắt một màu, như một chiếc gương trên chót vót cao nguyên lộng gió cho mây trời soi bóng. Biển Hồ được bao bọc bởi nhiều bí ẩn và huyền thoại thú vị khiến nơi đây càng trở nên lung linh, huyền ảo.
Hồ T’Nưng là một trong những hồ đẹp nhất ở Tây Nguyên. khi gió to thường có sóng lớn nên mới gọi là biển hồ. Còn người địa phương gọi là T’Nưng, có nghĩa là “biển trên núi”.
Dùng máy hồi âm định vị xác định được Biển Hồ gồm 3 phễu trũng vốn là 3 miệng núi lửa cổ, hai phễu lớn thông với nhau qua một eo khá rộng. Hiện nay đáy hồ bị bồi đắp và trở nên khá bằng phẳng.
Diện tích hồ rất rộng, lên tới 228 ha bao quanh những rừng thông và núi, vào mùa mưa, mặt nước có thể lan rộng ra trên 400 ha. Bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao cho nên đứng từ xa vẫn trông thấy rõ.

Hồ T’Nưng là nơi ẩn náu của các loài chim, như, bói cá, cuốc đen… Chim kơ túc, kơ vông thường thấp thoáng trong các cụm hoa sen, hoa súng trên mắt hồ; le le, ngỗng trời thường lặn ngụp trong những bãi lau sậy. Nơi đây còn là vựa cá lớn của Tây Nguyên, gồm đủ loại cá nước ngọt như cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá niềng, cá chày, cá ngựa… Ngoài ra còn có rùa, ba ba, lươn, chình… là những thuỷ sản sống lâu năm trong hồ.

Một nhà thơ đã viết khi đến thăm Biển Hồ:
Thương thương quá suốt một đời thiếu nước
Nên cái ao tù cũng thành biển của em…
Vì thế, có một cái “ao” trên đỉnh núi cao vời vợi, đứng ở dưới Quốc lộ 1 nhìn lên chỉ thấy mây phủ kín, ấy thì người ta gọi là “biển” cũng đúng thôi.
Bất cứ ai đã đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên cũng không thể bỏ qua Hồ Tơ Nưng – hạt ngọc quý của Pleiku. Con đường nhựa phẳng lỳ chạy xuyên qua những hẻm núi gồ ghề, vách thẳng đứng rêu phong, điểm tô bởi các bụi cây kim ngân hoa vàng rực rỡ dẫn ta đến bờ hồ. Mặt hồ ở cao trên một ngọn núi nên không bị các dải núi xung quanh che khuất, đứng bên bờ hồ có cảm giác như đứng bên bờ biển lộng gió.
Biển Hồ phù hợp để tham quan quanh năm và có nhiều điều thú vị để du khách trải nghiệm. Gia Lai đang bước vào mùa khô, để lộ dần những dải đất bazan màu mỡ ven hồ và thu hút nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. Vào mùa mưa, nước dâng cao tạo sóng lớn vỗ bờ như ở biển. Đến những ngày se lạnh, sương mù bao phủ mặt hồ, bảng lảng trôi trên những hàng thông. Tới khi thời tiết chuyển từ mùa mưa sang mùa khô cũng là lúc những khóm hoa dã quỳ vàng rực khoe sắc bên hồ chào đón du khách du lịch “phố núi” ghé thăm.
Xem thêm tại: Travel
Fanpage: Du lịch Biển Hồ